SÓC TRĂNG Sóc Trăng có các giống lúa bản địa thơm ngon nổi tiếng. Đi từ mô hình liên kết sản xuất hiệu quả, các doanh nghiệp và nông dân hợp tác mở rộng cánh đồng lớn.
Lúa chất lượng – “chìa khóa” tăng giá trị lúa gạo
Nằm cuối dòng sông Hậu, giáp Biển Đông, với lợi thế địa lý trải rộng, Sóc Trăng thụ hưởng sự đa dạng các tiểu vùng sinh thái đặc trưng của vùng ĐBSCL với hệ sinh thái phù sa nước ngọt, lợ và mặn ven biển. Thế nhưng hơn 30 năm trước, Sóc Trăng còn là vùng quê nghèo, kinh tế nông nghiệp chủ yếu sản xuất (SX) lúa, năng suất rất thấp.
Ngày nay, nhờ có sự đầu tư nhiều công trình thủy lợi qua nhiều năm liên tục, đã hình thành mạng lưới kênh rạch khá dày và phủ đều, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho nhiều vùng canh tác lúa khác nhau: Vùng chuyên canh lúa 2 – 3 vụ/năm; lúa – thủy sản; lúa – tôm nước lợ và nước mặn… Đây là điều kiện đặc thù rất thuận lợi cho sự phát triển các giống lúa thơm đặc sản.
Sóc Trăng còn có lợi thế lớn từ nhóm các giống lúa đặc sản của tỉnh gồm: Các giống lúa nhóm ST, đặc biệt là các giống ST24, ST25, Tài nguyên mùa, Thơm nhẹ… Hơn 5 năm trước, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu nâng cao giá trị nông sản nhằm tăng thu nhập cho nông dân và thực hiện Đề án Phát triển SX lúa đặc sản (2016 – 2020). Đến năm 2020, diện tích lúa đặc sản, lúa thơm từ 146.400 ha năm 2016 tăng lên trên 179.000 ha, vượt trên 27% so với kế hoạch đề án.
Năm 2021 vừa qua, dù trải qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, diện tích trồng lúa tỉnh Sóc Trăng vẫn ổn định trên 327.000 ha, sản lượng trên 2 triệu tấn. Trong đó, sản lượng lúa đặc sản và lúa chất lượng cao chiếm hơn 1,55 triệu tấn (riêng lúa đặc sản, lúa thơm các loại đạt trên 1,1 triệu tấn, chiếm gần 54% tổng sản lượng lúa của tỉnh).
Cùng song hành, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ kỹ thuật SX đã giúp tăng thu nhập cho nông dân, tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, đồng thời giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Hiệu quả, lợi nhuận người trồng lúa đạt từ 17 triệu đồng đến 19 triệu đồng/ha/vụ, đảm bảo lợi nhuận trên 30%.
Đã có ý kiến cho rằng, SX lúa gạo giá trị không cao. Nông dân canh tác độc canh cây lúa không giàu, nhưng nếu có các biện pháp tổ chức liên kết SX tiêu thụ tốt, giá trị lúa gạo càng nâng cao. Tìm ra “chìa khóa” phát huy lợi thế, tỉnh Sóc Trăng duy trì và mở rộng SX lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn (CĐL). Đến nay, toàn tỉnh có trên 240 CĐL với tổng diện tích trên 52.100 ha.
Nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật canh tác lúa, sử dụng giống lúa chất lượng, đầu tư cơ sở hạ tầng nhà kho, lò sấy và áp dụng cơ giới hóa SX đạt từ 98% đến 100%… Kết quả, đã giảm chi phí, tăng lợi nhuận rõ rệt. SX lúa cùng với các dịch vụ nông nghiệp đã tạo cơ hội sinh kế cho hàng trăm ngàn lao động khu vực nông thôn. Hơn nữa, sản phẩm gạo từ giống lúa ST24, ST25 đạt giải cao trong Top gạo ngon nhất thế giới đã tạo cơ hội xây dựng thương hiệu gạo đặc sản tỉnh Sóc Trăng.
Liên kết sản xuất vẫn còn nhiều vấn đề
Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng xác định phát triển liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân thông qua HTX là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn. Những năm gần đây, hoạt động kết nối giữa DN và HTX/tổ hợp tác đã giúp tiêu thụ lúa thông qua hợp đồng liên kết ngày càng nhiều, hình thành được vùng SX hàng hóa tập trung.
Hình thức liên kết SX khá đa dạng như cung cấp giống, vật tư nông nghiệp đầu vào cho cả vụ; thỏa thuận giá thu mua ngay từ đầu vụ; ký kết hợp đồng bao tiêu hoặc thỏa thuận giá thu mua trước khi thu hoạch từ 10 – 15 ngày.
Hiện nay, trên địa bàn Sóc Trăng có 3 DN chế biến lúa gạo xuất khẩu với quy mô hơn 20.000 tấn/năm; có tổng số 19 nhà máy, cơ sở xay xát chế biến lúa gạo và các sản phẩm từ gạo với tổng sản lượng trên 50.0000 tấn/năm. Tỉnh có 7 nhãn hiệu gạo đóng gói tiêu thụ thị trường nội địa như: Gạo ST, gạo Phú Khang, gạo hữu cơ Nông trường Cá Bờ Đập, gạo Thành Tín, gạo Công Điền, gạo Ba Đẹp, gạo Thanh Cường.
Dù vậy, nhìn lại khâu liên kết SX và tiêu thụ lúa gạo ở Sóc Trăng vẫn chưa hết khó khăn. Số lượng DN tham gia tiêu thụ sản phẩm trong thực hiện CĐL còn ít, thời gian hợp đồng liên kết ngắn, tình trạng không thực hiện theo hợp đồng còn xảy ra. Ở một số địa phương, điều kiện cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi…) chưa đảm bảo cho khâu vận chuyển hàng hóa, đưa máy nông nghiệp phục vụ SX.
Tuy đã có nhiều nhiều hoạt động liên kết và xúc tiến thương mại nhưng hiệu quả chưa đồng đều, chưa cao và chỉ mang tính “mùa vụ” tạm thời, chưa bền vững. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của các HTX và tổ hợp tác còn nhiều hạn chế; chưa tìm được tiếng nói chung trong chia sẻ rủi ro và lợi nhuận giữa DN và các tổ chức liên kết với nông dân.
Tại hội nghị về liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững năm 2022 của tỉnh Sóc Trăng mới đây, tỉnh định hướng phát triển liên kết SX lúa gạo giai đoạn 2022 – 2025 trên cơ sở xác định vùng SX lúa đặc sản phù hợp nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỉnh sẽ phát triển thương hiệu và nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo đặc sản Sóc Trăng theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao sinh kế và thu nhập của nông dân.
Qua đó, tỉnh sẽ củng cố, xây dựng HTX, tổ hợp tác SX lúa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong SX lúa gắn với xây dựng CĐL. Tỉnh hỗ trợ giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng, xây dựng hệ thống nhân giống cấp xác nhận, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, khuyến khích DN tham gia liên kết SX, đầu tư vùng nguyên liệu và tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh.
HỮU ĐỨC
https://nongnghiep.vn/nang-vi-the-lua-gao-tu-giong-dac-san-d324513.html