Một số vùng nhiễm nặng lúa cỏ không cho thu hoạch (hơn 70%) tại xã Nam Thái (huyện Nam Trực), xã Nghĩa Đồng (huyện Nghĩa Hưng), người dân được khuyên sớm cày vùi dập toàn bộ.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nam Định đánh giá, các trà lúa vụ đông xuân năm nay sinh trưởng chậm hơn so với cùng kỳ vụ trước từ 5 -10 ngày. Các trà lúa xuân trỗ bông tập trung từ ngày 12 – 20/5. Một số diện tích cấy dặm hay gieo sạ lại sẽ trỗ bông sau ngày 20/5.
Về tình hình dịch hại, tỉnh nhận định, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 sẽ nở rộ từ ngày 3 – 8/5, mật độ sâu phổ biến 20 – 30 con/m2, nơi cao 50 – 100 con/m2, cục bộ >200 con/m2. Đây được dự báo là lứa sâu gây hại chính trong vụ, phân bố không đồng đều giữa các trà lúa và gây hại trực tiếp tới bộ lá đòng của cây lúa.
Rầy lứa 2 (chủ yếu rầy lưng trắng) sẽ nở rộ trùng với thời điểm sâu cuốn lá nở rộ, dự kiến mật độ phổ biến 200 – 500 con/m2, cao 1.000 – 1.500 con/m2, cục bộ >2.000 con/m2. Rầy lứa 2 có mật độ cao chủ yếu ở các huyện phía nam của tỉnh.
Ngoài ra, bệnh khô vằn đã xuất hiện và phát triển trên tất cả các trà lúa. Tỷ lệ bệnh phổ biến 3 – 5%, có nơi cao lên đến 7 – 10%. Mức độ gây hại thấp hơn cùng kỳ năm trước. Bệnh có khả năng lây lan mạnh trên các trà lúa từ nay đến cuối vụ.
Ngoài ra lúa cỏ (lúa ma) và cỏ lồng vực cạn đang tiếp tục phát sinh và gây hại với mức độ cao hơn cùng kỳ vụ trước.
Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Nam Định cho biết, các huyện, thành phố trong tỉnh đang tích cực tuyên truyền đợt phòng trừ sâu bệnh hại, trong đó đẩy mạnh việc phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 kết hợp với trừ rầy tập trung ngay sau đợt nghỉ lễ 30/4 – 1/5 (từ ngày 3 – 8/5).
Những biện pháp được áp dụng đồng bộ, kịp thời cho những diện tích có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên. Cụ thể, những trà lúa cấy tốt sớm phun đầu lịch, trà lúa gieo cấy lại sau đợt rét đậm đầu vụ phun cuối lịch phòng trừ.
Chi cục cũng đã có công văn gửi phòng NN-PTNT, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố đề nghị phối hợp, tận dụng thời tiết nắng ấm, động viên bà con xuống đồng, tập trung chăm sóc, phòng, trừ các đối tượng gây hại bảo đảm cho lúa xuân toàn tỉnh sinh trưởng, phát triển tốt.
Trong đó, lưu ý người dân không bón phân urê khi lúa ôm đòng – sắp trỗ để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu, bệnh cuối vụ, nhất là bệnh bạc lá trong điều kiện gặp mưa to, gió lớn…
Trước mắt, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định khuyến cáo bà con tăng cường kiểm tra đồng ruộng, tự phân loại các trà lúa để có biện pháp chăm sóc bổ sung phù hợp.
Với bệnh khô vằn, cần phát hiện và phun trừ cho những diện tích bệnh chớm xuất hiện, hoặc đã phun nhưng bệnh chưa dừng.
Với bệnh đạo ôn cổ bông, phun phòng bệnh lúc lúa trỗ 3 – 5% số bông cho các giống nhiễm như: BC15, TBR225, Khang Dân 18, Q5, X21, Đài thơm 8, Nếp… Đặc biệt, phải chú ý tới những trà lúa trỗ bông trước ngày 15/5, những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá và khi lúa trỗ gặp mưa.
Với vấn đề lúa cỏ, Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Nam Định đề nghị tăng cường điều tra, phát hiện lúa cỏ để nhổ bỏ bằng tay. Đây là biện pháp được đánh giá cao, giúp hạn chế nguồn lây lan. Riêng một số vùng nhiễm nặng lúa cỏ không cho thu hoạch (hơn 70%) tại xã Nam Thái (huyện Nam Trực), xã Nghĩa Đồng (huyện Nghĩa Hưng), người dân được khuyên sớm be bờ, khoanh vùng, cày vùi dập toàn bộ để tránh phát tán nguồn bệnh.
Bảo Thắng
https://nongnghiep.vn/nam-dinh-lua-ma-lay-lan-gay-hai-cao-hon-nam-truoc-d321663.html