Huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đang vào vụ thu hoạch lúa thu đông 2021. Những khó khăn trong thu hoạch lúa do thiếu máy cắt, thiếu lực lượng lao động vận chuyển đang khiến nhiều nông dân như ngồi trên đống lửa.
+ Nông dân sốt ruột vì thiếu máy thu hoạch lúa, nhân công
Theo nhiều nông dân sản xuất lúa trên địa bàn huyện Giồng Riềng, nếu mọi năm chi phí thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp dao động từ 250.000-260.000 đồng/công (1 công bằng gần 1.300m2) thì năm nay tăng lên 300.000-310.000 đồng. Riêng lúa sập dao động ở mức 320.000-350.000 đồng/công.
Còn khoảng 1 tuần nữa diện tích lúa của gia đình ông Nguyễn Thanh Hùng, ngụ ấp Hòa B, xã Hòa Lợi (Giồng Riềng) tới vụ thu hoạch.
Ông Hùng cho hay: “Gia đình tôi canh tác 70 công ruộng giống chất lượng cao. Vụ này lúa ít sâu bệnh nhưng chi phí phân bón từ đầu vụ đã tăng gấp đôi. Cuối vụ giá cắt lúa lại tăng 50.000 đồng/công so với vụ trước, nên tính ra lợi nhuận vụ này giảm còn 700.000-800.000 đồng/công”.
Cùng với giá gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp tăng, hiện một số nơi nông dân rất khó thuê được máy cắt.
Ông Nguyễn Văn Nam, ngụ ấp Ngọc Vinh, xã Ngọc Thuận, cho biết: “Tôi có 10 công ruộng đã tới ngày thu hoạch. Tôi có gọi điện thoại cho chủ máy quen nhưng phải đợi hết thời gian chủ máy và nhân công cách ly tại nhà theo quy định, vì họ vừa đi cắt lúa ở Bạc Liêu về. Không kiếm được máy, lúa chín vàng đồng rồi nhưng tôi vẫn phải đợi, sốt ruột lắm”.
Theo ông Nguyễn Thanh Vũ, chủ máy cắt ngụ xã Thạnh Hòa (Giồng Riềng), thời điểm này do chi phí đầu vào tăng nên giá cắt lúa tăng theo. Cụ thể là chi phí thay phụ tùng máy, tiền thuê nhân công, chi phí bố trí lực lượng lao động đảm bảo “3 tại chỗ” khá lớn. Ngoài ra, cứ 3 ngày, chủ máy phải tốn thêm chi phí test nhanh kháng nguyên SARS -CoV-2.
Diện tích lúa thu đông 2021 trên địa bàn huyện hơn 27.800ha, trong đó có 18.468ha lúa trổ chín. 15 ngày cuối tháng 9/2021, huyện có 12.187ha lúa thu đông thu hoạch rộ. Diện tích còn lại thu hoạch vào giữa tháng 10/2021.
Trước tình hình này, UBND huyện Giồng Riềng đã yêu cầu các xã, thị trấn rà soát số lượng máy gặt đập liên hợp trên địa bàn quản lý, vận động các chủ máy và lực lượng lao động ở lại địa phương để phục vụ việc thu hoạch lúa thu đông của huyện.
Trước mắt tập trung cho các xã đang thu hoạch rộ như Hòa An, Hòa Hưng, Hòa Lợi, Thạnh Phước và Ngọc Thuận. Huyện có tổng số 262 máy gặt đập liên hợp, hiện còn thiếu 72 máy so với nhu cầu thực tế.
Nhiều giải pháp gỡ khó khăn trong thu hoạch lúa
Sau 3 ngày mưa liên tục, nhiều cánh đồng tại xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng mới rền vang tiếng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Xã Hòa Lợi có tổng số 3.345ha lúa thu đông 2021, 100% diện tích đang vào thời điểm thu hoạch rộ.
Với diện tích này, xã Hòa Lợi cần 45 máy gặt đập liên hợp đồng loạt thu hoạch mới đảm bảo tiến độ thu hoạch. Tuy nhiên, hiện xã chỉ 14 máy gặt.
Ông Đỗ Đông Xuân – Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi, thông tin: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ máy gặt vào địa bàn thu hoạch lúa, xã đã hỗ trợ test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 cho 100 lao động làm công việc khuân vác, tài xế máy cắt trong đợt xét nghiệm sàng lọc cộng đồng. Xã đã tiếp nhận 20 chiếc máy gặt đập liên hợp từ các nơi về. UBND xã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn các máy cắt đến tận ruộng từng hộ để kịp thu hoạch lúa cho bà con. Dù vẫn còn thiếu máy so với nhu cầu thực tế nhưng cũng đáp ứng được phần nào”.
UBND huyện Giồng Riềng hỗ trợ test nhanh miễn phí cho người lao động phục vụ các máy gặt đập liên hợp. Ảnh: An Lâm.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hoạch lúa trên địa bàn huyện trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, huyện Giồng Riềng đã liên hệ các huyện lân cận chưa vào vụ thu hoạch lúa, nhằm tăng cường các máy gặt đập giúp nông dân trong huyện thu hoạch kịp thời.
Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ test nhanh miễn phí cho người lao động phục vụ các máy gặt đập liên hợp. Đồng thời, giảm thời gian cách ly từ 7 ngày còn 4 ngày đối với chủ máy cắt và lực lượng lao động về từ tỉnh khác.
Ông Nguyễn Thái Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng, cho biết: “UBND huyện đã yêu cầu chính quyền các xã tạo mọi điều kiện để máy gặt đập vào địa bàn thu hoạch lúa, đồng thời, tích cực vận động các chủ máy gặt đập liên hợp cam kết không lợi dụng tình hình máy khan hiếm để tăng giá thu hoạch lúa gây khó khăn cho nông dân. Địa phương nào có hoạt động thu hoạch, thu mua lúa phải đảm bảo bố trí lực lượng lao động “3 tại chỗ”, kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động tránh tập trung đông người, đảm bảo nguyên tắc 5K trong chống dịch bệnh”.
Toàn tỉnh Kiên Giang có 90.000ha lúa thu đông 2021, tập trung chủ yếu tại Tân Hiệp, Giồng Riềng, Giang Thành. Đến nay, đã thu hoạch gần 20.000ha, năng suất bình quân ước đạt 5,4 tấn/ha.
(Nguồn Chúc Ly – An Lâm, Theo Danviet.vn )