Các vấn đề có liên quan đến đất đai không chỉ là mối quan tâm của người nông dân, của chủ doanh nghiệp, của nhà đầu tư,… mà liên quan đến tất cả mọi người, vì dù xa dù gần, hầu hết chúng ta, đều có gốc gác “nhà quê”.
Sử dụng linh hoạt đất trồng lúa
Cách tiếp cận hiện nay về an ninh lương thực đã bỏ qua chi phí cơ hội phải bỏ ra khi duy trì trồng lúa cũng như thu nhập và phúc lợi có được từ việc theo đuổi lợi thế cạnh tranh hiện tại của Việt Nam.
Hiện tại chúng ta không thiếu gạo, chúng ta đã có tổng cung về gạo tương đối ổn. Việc sử dụng mọi biện pháp về kinh tế và hành chính để đảm bảo giữ ổn định diện tích đất lúa nhiều năm qua cho thấy, điều đó không hiệu quả và không công bằng. Không có hiệu quả vì nó khóa chặt đất và các nguồn lực vốn khan hiếm khác (lao động, vốn, KH&CN) vào hình thức sử dụng đem lại giá trị thấp.
Điều này làm giảm tăng trưởng nông nghiệp và làm chậm tốc độ tăng trưởng của quốc gia. Các đầu vào sản xuất và công nghệ hiện có có thể tạo ra rất nhiều sản phẩm khác có giá trị sản xuất cao hơn gạo (rau quả, hoa, thủy sản, chăn nuôi…).
Trong điều kiện hiện nay, chi phí cơ hội cho sản xuất gạo rất cao: Việt Nam có thể sản xuất ít gạo hơn nhưng lại sẽ có GDP cao hơn và người nông dân chắc chắn cũng sẽ có thu nhập và phúc lợi cao hơn. Nhiều nông dân nhận thức được điều này và trong khả năng có thể, họ đang chuyển đổi dần từ trồng lúa sang các hoạt động sản xuất-kinh doanh nông nghiệp khác.
Canh tác lúa là hình thức sản xuất kém hiệu quả nhất đối với nông dân nghèo; ở một số địa phương, thu nhập từ trồng lúa quá thấp nên người nông dân bỏ hoang ruộng nếu như họ không được phép chuyển đổi hay ko được hỗ trợ để chuyển đổi sang các mục đích sử dụng đất khác. Điều này tác động tiêu cực đến sự phát triển của quốc gia, gây lãng phí đất và không giúp giảm nghèo.
Vì vậy, có thể đưa ra các gợi ý rất rõ ràng cho chính sách đất đai. Thay vì giữ đất lúa làm giảm thu nhập của nông dân mà lại không giải quyết được vấn đề an ninh lương thực, Chính phủ cần đảm bảo đất nông nghiệp được sử dụng hiệu quả và đạt hiệu suất đến mức cao nhất có thể.
Điều này sẽ giúp đất nước có thêm lương thực, thu nhập cao hơn cho nông thôn, tiếp tục tăng trưởng kinh tế nhanh mà vẫn bảo đảm an ninh lương thực.
Đẩy mạnh quá trình tích tụ đất đai
Tập trung ruộng đất là một chủ trương đang được nhà nước khuyến khích. Nhiều người cho rằng, tập trung ruộng đất là cần thiết để áp dụng rộng rãi cơ giới hóa, ứng dụng KH&CN, nhất là công nghệ chế biến nông sản, đẩy mạnh và thương mại hóa và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt.
Vấn đề đặt ra là: Tại sao quá trình tích tụ ruộng đất lại diễn ra chậm chạp? Tại sao nông dân lại không nhận ra được hiệu quả thấp và chi phí cao của việc ruộng đất phân tán, manh mún? Hay tại sao họ không tự nguyện dồn điền đổi thửa để tổ chức lại sản xuất?
Thực tế cho thấy, không nhất thiết cần có sự can thiệp về mặt hành chính trong tập trung ruộng đất. Hiện tại, sản lượng và xuất khẩu nông nghiệp đang tiếp tục được tăng trưởng nhờ nông dân điều chỉnh phương thức sản xuất, chuyển sang những hoạt động có lợi hơn, nâng cao khả năng canh tác và kỹ năng quản lý đất đai, nắm bắt tốt thông tin và cơ hội về thị trường.
Điều này cho phép nông dân hợp lý hóa lượng đất hiện có thông qua tập trung ruộng đất tự nguyện với hang xóm theo tín hiệu của thị trường và sự trưởng thành trong kĩ năng quản trị ruộng đồng. Chúng ta nên ủng hộ xu hướng tích tụ ruộng đất tự nguyện này.
Trong khi đó, việc thu hồi đất hiện nay chưa tạo cơ hội cho người nông dân được hưởng lợi từ giá trị của cải tạo ra sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Cách thức thu hồi đất hiện nay dường như chưa công bằng với nông dân. Nó chưa cho phép người dân đòi hỏi đền bù xứng đáng cho dù họ có lên tiếng phản đối chính sách đền bù; mỗi nơi đền bù một kiểu. Việc thu hồi đất bị thiên lệch có tính hệ thống, tập trung vào lợi ích của các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào việc giải phóng mặt bằng và phát triển hạ tầng. Trong khi đó người nông dân mất nguồn tài sản và sinh kế chính.
Khuyến nghị chính sách đất đai
Tất cả các bộ/ngành liên quan phải rà soát, tổng kết, đánh giá Luật Đất đai ngay trong năm 2021, xem đâu là hạn chế, là bất cập, là cản trở của Luật Đất đai đến sự phát triển của ngành.
Cần sớm xem xét việc công nhận tính đa sở hữu đối với đất đai, bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân; hoặc đất đai vẫn là sở hữu toàn dân, nhưng nhà nước giao quyền tài sản về đất đai cho tập thể và cá nhân, họ có đầy đủ các quyền như chủ sở hữu. Trong đó, sở hữu tư nhân là nguồn lực quan trọng nhất, năng động nhất trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.
Xem xét tổ chức lại hệ thống quản lý đất đai để xóa bỏ tình trạng nhà nước vừa quản lý, vừa kiểm soát, vừa giám sát công tác quản lý đất đai; các cơ quan nhà nước về quản lý, kiểm soát, giám sát công tác quản lý đất đai phải là các cơ quan độc lập; phân định rõ ràng nhà nước Trung ương làm gì, nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và chủ sở hữu/chủ sử dụng đất làm gì, tường minh về nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm của từng chủ thể.
Phát huy mạnh mẽ dân chủ thực chất, dân chủ thực sự ở cơ sở, nông dân phải được tổ chức để tham gia vào việc xây dựng các chính sách công; ví dụ như tham gia vào quá trình quy hoạch địa phương.
Việc xác định giá đất khi giải toả, đền bù cần quy định lại và làm rõ: Nếu Nhà nước trưng mua đất để xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh, các công trinh phục vụ lợi ích công cộng (đường sá, bệnh viện công, trường học công lập…) thì phải có quy hoạch và đền bù theo giá Nhà nước quy định theo bảng giá đất được công bố hằng năm, và giá này phải sát với giá thị trường, hoặc mua lại của dân theo giá thị trường.
Nếu thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án, kể cả xây dựng các cơ sở sự nghiệp tư và trụ sở cơ quan nhà nước, hay cấp đất cho cán bộ xây nhà ở, hay các tổ chức kinh tế của quân đội, thì ngoài việc phải phù hợp quy hoạch và được cấp phép của cấp có thẩm quyền, phải bồi thường theo giá thị trường và thoả thuận với dân.
Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, khó nhất là cơ sở dữ liệu số hoá về đất đai đến nay hầu như chưa địa phương nào làm được. Vì vậy cần ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu này và công khai cùng quy hoạch đất.
Cải tổ khung pháp luật đất đai và xây dựng các thể chế mới nhằm khuyến khích các chủ ruộng ít có nhu cầu sản xuất nông nghiệp, những người đã chuyển đổi sinh kế cho thuê, giao, bán đất lại cho người có nhu cầu và có khả năng đầu tư thâm canh nông nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần quan tâm đến việc phân bổ lợi ích trong quá trình tích tụ ruộng đất.
Xây dựng và phát triển thị trường đất, lao động và tín dụng nông nghiệp; phát triển hợp tác, liên kết để tăng quy mô và hiệu quả sản xuất.
Phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất của nông dân không phải là giải pháp trực tiếp để tích tụ đất đai nhưng nhờ kinh tế hợp tác có thể mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng tham gia thị trường tốt hơn của những hộ sản xuất nhỏ.
GS.TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam