Mùa khô nắng nóng, lại chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn, ngoài nước mưa hiếm hoi thì nguồn nước mặt từ sông, rạch có ý nghĩa to lớn đối với vùng thiếu nước ngọt. Những đợt nước dâng cao đầu năm trên địa bàn tỉnh được gọi là triều Xuân, nếu khai thác tốt có thể mang lại nhiều lợi ích cho sản xuất và dân sinh.
Triều Xuân có thể gây ngập nhiều nơi
Triều Xuân là hiện tượng triều dâng cao theo chu kỳ vào mùa Xuân, từ lâu đã quá quen thuộc với người dân Nam Bộ. Tỉnh ta chịu ảnh hưởng của triều Biển Đông có chế độ bán nhật triều không đều. Mỗi ngày có 2 đỉnh triều, 2 chân triều. Thời gian cách nhau 12 giờ 25 phút. Trong 1 tháng của mùa khô có 2 kỳ triều cao, xảy ra vào những ngày không trăng (quanh ngày 30 tháng âm lịch) và những ngày trăng tròn (quanh ngày rằm âm lịch), tức là cũng có 2 kỳ triều Xuân. Thời gian một kỳ triều Xuân duy trì khoảng 7- 10 ngày.
Mực nước sông, rạch ở vùng hạ nguồn ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long) vào các kỳ triều Xuân ở mỗi năm là khác nhau, chịu tác động trực tiếp bởi gió chướng (gió Đông, Đông Bắc) và lượng nước từ thượng nguồn đổ về. Năm nào lũ lớn xảy ra ở đầu nguồn sông Cửu Long và gió chướng hoạt động mạnh, kéo dài thì mực nước trong các kỳ triều Xuân dâng cao và ngược lại. Chuỗi quan trắc trong những năm qua trong tỉnh cho thấy, vào kỳ triều Xuân mực nước cao nhất trên các sông: Tiền, Hậu, Cổ Chiên đều thấp hơn hoặc xấp xỉ mức báo động 3, tức tại trạm thủy văn Cần Thơ (phía sông Hậu) có thể lên mức xấp xỉ và thấp hơn 1,9m và tại Mỹ Thuận (phía sông Tiền) có thể lên ở mức xấp xỉ và thấp hơn 1,8m. Mực nước ở nội đồng thấp hơn ở sông Tiền, sông Hậu từ 15- 25cm.
Tuy nhiên, cũng có năm triều Xuân dâng cao trên mức báo động 3 gây ngập ở nhiều nơi, có thể làm vỡ bờ bao, nhất là ở các cù lao, cồn trên các sông lớn hoặc có thể gây ngập nặng ở vùng chưa có bờ bao hoặc bờ bao không chắc chắn; gây thiệt hại cho lúa Đông Xuân muộn, Hè Thu sớm mới xuống giống, lúa Đông Xuân đang trổ chín, lúa phơi trên đồng và rau màu; làm ngập đường giao thông, bờ bao và ngay cả đường phố đô thị… Mặn có thể theo triều Xuân thâm nhập vào đất liền, gây bất lợi đến cấp nước cho sinh hoạt và nông nghiệp.
Triều Xuân gây ngập nhưng nhìn chung đỉnh triều không cao bằng vào thời điểm lũ chính vụ ở ĐBSCL (tháng 9, tháng 10). Do xảy ra vào đầu mùa khô nên triều Xuân rất có lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là cho lúa, rau màu ở giai đoạn tăng trưởng của vụ Đông Xuân, đầu vụ Hè Thu và càng có ý nghĩa hơn đối với những hộ ở nông thôn còn sử dụng sinh hoạt từ kinh, rạch.
Đối với vùng đất gò cao, vùng đất xa sông lớn, vào những ngày đỉnh triều dâng cao, nông dân có thể đón nhận lượng nước tưới tự chảy vào ruộng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí bơm tưới cho cây trồng và có thể trữ lượng nước quan trọng trong kinh, rạch, ao hồ dùng vào những ngày khô hạn, những ngày nước mặn lên cao.
Tranh thủ triều Xuân để lấy nước ngọt
Khi vào kỳ triều Xuân, độ mặn sông, rạch lên cao nhất, mặn xâm nhập sâu nhất. Do đó, đối với các vùng bị xâm nhập mặn thường niên, để lấy nước ngọt an toàn cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt thì phải nắm chắc quy luật của triều Xuân và xâm nhập mặn.
Xâm nhập mặn ở vùng ven biển ĐBSCL diễn biến theo quy luật: Những ngày triều cường thì độ mặn cao hơn những ngày triều kém. Độ mặn lớn nhất vào lúc đỉnh triều cao nhất và đỉnh triều thấp nhất. Gió chướng càng hoạt động mạnh, lượng nước xả từ thượng nguồn về thấp và mưa trái mùa xảy ra ít thì độ mặn càng cao, lấn sâu vào đất liền và duy trì lâu hơn. Những năm gần đây, xâm nhập mặn thường xuất hiện sớm hơn (vào đầu tháng 12, tháng 1 năm sau) và đạt đỉnh vào tháng 1, 2.
Tỉnh Vĩnh Long cũng nằm trong quy luật đó. Vùng ven và trên các sông chính của tỉnh chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn cao hơn vùng nội đồng. Số liệu quan trắc của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long trong những năm qua cho thấy, độ mặn trên các sông chính thường đạt đỉnh trong các tháng đầu mùa khô (tháng 1 đến tháng 2), có năm rơi vào tháng 12 (năm 2019), riêng năm 2020 độ mặn cao duy trì rất lâu, kéo dài đến hết tháng 3. Các tháng cuối mùa khô (tháng 4, tháng 5) có vài đợt mặn lên cao trở lại, sau đó duy trì ở mức thấp hơn 1,5‰. Khi độ mặn sông Cổ Chiên, sông Hậu lên mức 5‰ thì sông, rạch ở vùng nội đồng xa hai sông lớn này có độ mặn nhỏ hơn hoặc xấp xỉ 1‰.
Để lợi dụng tốt triều Xuân thì trước hết phải vận hành công trình hợp lý để lấy tối đa nguồn nước ngọt. Việc vận hành công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt trong thời gian mặn lên cao cần tuân theo quy trình vận hành, dựa vào quy luật truyền mặn nêu trên và tùy theo từng địa phương để vừa ngăn, tránh được mặn, đồng thời có thể khai thác tốt nguồn nước ngọt tại chỗ.
Đối với Vĩnh Long, do hướng xâm nhập mặn từ phía Đông (phía Biển Đông) tiến vào phía Tây (phía đất liền) theo thủy triều lên, nên phải tiến hành đóng các cửa cống để ngăn mặn và lấy nước ngọt cũng theo trình tự từ hướng đó. Tức là đóng các cống gần về phía biển trước, ưu tiên lấy nước ngọt trước từ các vùng ven sông lớn vào nội đồng. Việc vận hành cống phải đảm bảo giảm nồng độ mặn trên các kinh, rạch xuống dưới 1,5‰, nhưng thông thường độ mặn 1‰ lên đến đâu là đóng cống đến đó (có nơi 2‰ mới đóng cống vì mục đích cấp nước cho đối tượng chịu độ mặn cao hơn).
Tháng 3, tháng 4 là thời kỳ cao điểm của mùa khô, triều Xuân vẫn còn ảnh hưởng đến hệ thống sông ngòi ở tỉnh ta. Nắm rõ quy luật của triều Xuân và mặn xâm nhập có thể lấy nước ngọt một cách tốt nhất để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Ngành chuyên môn khuyến cáo việc lấy nước phù hợp cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi và nước sinh hoạt trong thời gian độ mặn sông, rạch lên cao. Chẳng hạn như nước sông, rạch cấp cho người, gia súc có độ mặn không lớn hơn 0,4‰, tưới cho lúa ở giai đoạn mạ không quá 1‰, không quá 4‰ cho lúa ở giai đoạn sinh trưởng. Lưu ý, đối với lúa, vào những ngày mặn lên cao nếu cần lấy nước tưới thì lấy nước vào ruộng (dưới 4‰) và xả nước ra liên tục, nhưng không được giữ nước trong ruộng quá lâu vì sẽ làm tăng độ mặn cho đất. Đối với rau màu, cây ăn trái, tiêu chuẩn độ mặn càng thấp hơn, đặc biệt là cây ăn trái mới ra hoa và ra đọt non, cách tốt nhất là lấy nước ngọt trữ trong ao hồ mương vũng để tưới. Đối với cấp nước cho người và gia súc, cách tốt nhất là dùng nước mưa, nước trữ trong ao hồ ở mùa trước, kiểm tra độ mặn trên sông, rạch khi dưới 0,4‰ mới đem lên đun nấu ăn. Mỗi gia đình, các cơ sở sản xuất, trạm cấp nước sinh hoạt nên tự trang bị máy đo mặn đủ chuẩn để đo mặn trước khi sử dụng nguồn nước. |
Bài, ảnh: THÀNH THẶNG