Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xu hướng ổn định với các giống lúa, trong khi đó giá gạo xu hướng giảm, lượng gạo nguyên liệu về ít. Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu tiếp tục phiên đi ngang.
Tại các tỉnh An Giang, Long An, Kiên Giang… giá lúa hôm nay không biến động. Cụ thể tại An Giang lúa IR 50404 giá 5.500 – 5.600 đồng/kg; Lúa Đài thơm 8 giá 5.900 – 6.100 đồng/kg; Lúa OM 380 giữ giá 5.400 – 5.500 đồng/kg; Lúa OM 18 có giá 5.900 – 6.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 5.900 – 6.000 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.700 đồng/kg.
Tương tự các loại lúa khô cũng giữ giá ổn định gồm: Lúa IR 50404 (khô) 6.000 đồng/kg; Lúa Nàng Nhen (khô) 12.000 đồng/kg.
Tại Long An, giá lúa OM 18 được thương lái thu mua tại ruộng 5.600- 5.800 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 5.800 đồng/kg; IR 50404 giá 5.300 đồng/kg; OM 5451 giá 5.500 đồng/kg; Nàng hoa 9 giá 6.200 đồng/kg…
Đối với giá gạo xu hướng giảm. Hiện gạo NL IR 504 ở mức 7.600 đồng/kg; gạo TP IR 504 là 8.500 đồng/kg; tấm 1 IR 504 ở mức 7.400-7.500 đồng/kg; cám vàng ở mức 7.600 đồng/kg.
Tại các chợ lẻ, giá gạo tiếp tục duy trì mức giá như cuối tuần qua. Theo đó, gạo thường 11.000-11.500 đồng/kg; Nếp ruột 13.000 – 14.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Gạo Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; Gạo Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 14.000 – 15.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu, giá chào bán gạo của Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định. Hiện gạo 5% tấm ở mức 393-397 USD/tấn; gạo 25% tấm ổn định ở mức 378-382 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 328-332 USD/tấn và gạo Jasmine 563-567 USD/tấn.
Theo thống kê từ ArgMonitor, trong 10 ngày đầu tháng 1/2022, xuất khẩu đi các thị trường chính khá ảm đạm, riêng thị trường Philippines vẫn ở mức cao.
Đối với thị trường Philippines, trong năm 2021 nước này nhập khẩu ước tính tăng lên 2,6 triệu tấn, so với 2,3 triệu tấn của năm trước đó – theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Trong khối lượng nhập khẩu đó, có khoảng 2 triệu tấn nhập từ Việt Nam.
Sau năm 2021 tăng mạnh, nhập khẩu gạo của Philippines dự báo vẫn tiếp tục cao trong những năm tới. USDA cho rằng động thái Philippines tăng nhập khẩu gạo hoặc điều chỉnh chính sách nhập khẩu hầu như không thể tác động đến các nhà cung cấp gạo ở Tây Bán cầu do chi phí vận chuyển giữa 2 điểm quá xa. Tuy nhiên, mỗi động thái của Philippines đều có tác động nhiều tới các nhà cung cấp Châu Á, nhất là các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Ngọc Thùy