THÁI BÌNH 7 năm gắn bó với nông dân Thái Bình, giống lúa Đài thơm 8 đã khẳng định được tên tuổi của một giống lúa chất lượng cao ở ‘quê hương 5 tấn’.
Hiên ngang trước mưa to gió lớn
Với kinh nghiệm sản xuất lâu năm tại nơi được xem là vựa lúa của vùng ĐBSH, nông dân xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã đúc rút nhiều kinh nghiệm quý trong sản xuất lúa gạo. Bên cạnh “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, một trong những yếu tố sẽ tác động mạnh đến quá trình sản xuất của bà con chính là thời tiết, thiên tai, mưa gió…
Đặc biệt, do đặc thù nằm trong vùng điều tiết nước theo hệ thống sông Trục, nếu cây lúa nơi đây chống đổ kém sẽ dẫn đến giảm năng suất. Chính nhờ ưu điểm cứng cây, chống đổ ngã rất tốt, cùng với việc chất lượng gạo tốt và được thị trường ưa chuộng, từ lâu, Đài thơm 8 đã được xác định là giống lúa chủ lực tại địa phương.
Vừa dẫn khách tham quan cánh đồng Đài thơm 8 của mình, ông Nguyễn Sỹ Luân (xã Đông Tân, huyện Đông Hưng) vừa nhớ lại năm 2015, thời điểm ông là người tiên phong trong việc cấy khảo nghiệm 2 mẫu giống Đài thơm 8.
“Năm ấy mưa to, gió lớn làm lụt và đổ ngã vô số lúa của bà con. Thế nhưng ruộng lúa Đài thơm 8 của tôi vẫn hiên ngang đứng vững trong mưa to gió lớn”, ông Luân nhớ lại và cho biết thêm, ngay sau mùa vụ đó, bà con nông dân địa phương đã tin tưởng và bắt đầu đưa giống Đài thơm 8 vào sản xuất đại trà.
Theo ông Phạm Hoàng Sỹ, Giám đốc HTX Kinh doanh lúa chất lượng cao xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, từ năm 2015, nông dân đã chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất sang các giống lúa chất lượng cao, trong đó Đài thơm 8 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) là sự lựa chọn hàng đầu của nông dân nơi đây.
Qua sản xuất, nông dân đánh giá Đài thơm 8 là giống lúa chống đổ ngã rất tốt, cho năng suất khá, khả năng chống chịu nhiều loại sâu bệnh và lúa gạo được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, cơm nấu từ gạo Đài thơm 8 có độ dẻo, thơm, phù hợp với bữa cơm gia đình Việt Nam nên gạo Đài thơm 8 được tiêu thụ rất thuận lợi.
“Sau quá trình đưa vào sản xuất 7 năm qua, hiện tại, trên cánh đồng 400ha của xã Đông Tân đã có tới 90% là giống lúa Đài thơm 8. Vụ xuân năm 2022, HTX đã tiêu thụ cho bà con 100 tấn thóc, chủ yếu là sản phẩm lúa chất lượng cao”, ông Phạm Hoàng Sỹ chia sẻ.
Ông Sỹ cũng cho biết, do giống lúa Đài thơm 8 ít sâu bệnh nên bà con ít khi phải sử dụng thuốc BVTV hóa học, qua đó, được thị trường đánh giá đủ tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao.
“Trước đây bà con cấy những giống lúa khác, do bị tác động của yếu tố thời tiết nên phải phun từ 5 – 7 lần thuốc BVTV hóa học mới có thể đảm bảo năng suất. Tuy nhiên hiện nay khi sản xuất giống lúa Đài thơm 8, nếu có xuất hiện sâu bệnh, người dân chỉ phải phun thuốc BVTV tối đa 1 lần. Thậm chí trong vụ mùa 2022, nhiều hộ gia đình không cần dùng đến thuốc BVTV hóa học mà chỉ cần chăm bón cân đối, bón đạm, lân, kali dứt điểm ngay từ giai đoạn đầu”, ông Phạm Hoàng Sỹ phấn khởi chia sẻ.
Cũng theo ông Sỹ, 2 vụ vừa qua, HTX đã hỗ trợ nông dân phân bón vi sinh, do đó, người dân đã giảm được 30% số lượng phân vô cơ.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang giống lúa chất lượng cao Đài thơm 8, tập quán sản xuất của bà con địa phương đã có sự thay đổi lớn. Nếu như trước đây, các xã viên không cấy theo vùng, trên một cánh đồng đan xen nhiều giống lúa khác nhau thì hiện nay, người dân đã xây dựng sản xuất cánh đồng lớn một giống. Bà con cùng nhau xuống giống, cùng cấy một loại giống, cùng nhau tưới và điều hành nước cũng như phòng trừ sâu bệnh.
Gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu
Là một trong những xã có diện tích sản xuất lúa lớn, xã Đông Tân luôn quan tâm tới đầu ra của sản phẩm và không ngừng lựa chọn để đưa những giống lúa có chất lượng gạo ngon, đạt tiêu chuẩn, dễ tiếp cận với thị trường vào sản xuất.
Hạt gạo Đài Thơm 8 được bà con nông dân đánh giá thon dài, tỷ lệ hạt bạc bụng thấp, nấu lên cơm trắng, bóng, dẻo, thơm ngon… nên được thị trường ưa chuộng, thương lái thu mua giá cao. Cùng với việc tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, theo hướng hữu cơ, gạo Đài Thơm 8 đã trở thành loại gạo chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn OCOP của quê lúa Thái Bình.
Ông Phạm Hoàng Sỹ cho biết, để phấn đấu trở thành sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao được đánh giá OCOP từ 3 đến 4 sao, thậm chí hướng đến xuất khẩu, người dân xã Đông Tân đã và đang xây dựng các mô hình sản xuất được quy hoạch theo vùng, xuống giống cùng ngày, chăm sóc theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), cấy cùng một thời điểm, chăm bón dứt điểm để hạn chế tối thiểu sự phá hoại của sâu bệnh, hạn chế tối thiểu việc sử dụng thuốc BVTV hóa học, thu hoạch cùng một thời điểm, thu hoạch đến đâu sấy khô đến đó để đảm bảo hương vị gạo Đài thơm 8, sấy xong sẽ được bảo quản cẩn thận tại kho để chờ xuất bán.
Để xây dựng thương hiệu giống lúa chất lượng cao Đài thơm 8, ông Sỹ cho rằng, cần nhắc đến đặc điểm của xã Đông Tân là số lao động đi xuất khẩu lao động rất lớn, diện tích bình quân đầu người lớn với 730m2/người nên nhiều hộ gia đình đã bỏ hoang ruộng đồng, không tham gia sản xuất.
“Từ đó, chúng tôi đã khuyến khích người dân không tích tụ được cũng cố gắng thuê lại đồng ruộng bị bỏ hoang. Do vậy, nhiều hộ đã có diện tích trồng lúa lớn, từ 15 – 20 mẫu. Qua đó đặt ra vấn đề thu hoạch lúa số lượng lớn cùng một thời điểm và phải áp dụng máy sấy, máy xay xát. Cho đến, nay chúng tôi đã triển khai sản xuất vụ thứ hai theo mô hình cánh đồng lớn, nhìn chung đã mang lại hiệu quả, được thị trường đón nhận”, ông Phạm Hoàng Sỹ cho hay.
Là đơn vị bao tiêu và xuất khẩu lúa Đài thơm 8 cho bà con nông dân xã Đông Tân 4 năm nay, ông Đặng Xuân Trường, đại diện Công ty TNHH Hưng Cúc cho biết, sản lượng gạo Đài Thơm 8 chiếm từ 18 – 20% sản lượng tiêu thụ của Công ty.
“Không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng, với chất lượng gạo tốt, khi nấu cơm thơm, dẻo và không bị lại gạo, Đài thơm 8 đã đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Hiện gạo Đài Thơm 8 đang được xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Á, Trung Đông… với tỷ trọng lớn”, ông Đặng Xuân Trường chia sẻ.
Theo ông Phạm Hoàng Sỹ, việc ứng dụng cơ giới hóa trên cánh đồng lớn sử dụng một giống đã giúp bà con đẩy nhanh tốc độ giải phóng đất. Bên cạnh đó, việc đưa máy cấy vào 40% diện tích đất canh tác đã giúp nâng cao tính đồng đều, đảm bảo thời vụ cho nông dân.
“Với đặc điểm sản xuất theo cánh đồng lớn, mỗi khi đến mùa thu hoạch, thương lái khắp nơi đều đổ về đây để thu mua lúa tươi. Người dân gặt đến đâu, thị trường tiêu thụ hết đến đó. HTX cũng đã tổ chức thu mua nhưng vẫn phải cạnh tranh với nhiều đơn vị khác ngay tại cánh đồng”, Giám đốc HTX Kinh doanh lúa chất lượng cao xã Đông Tân cho hay.