Chương trình Canh tác lúa thông minh thể hiện rõ nhiều lợi ích và cần tiếp tục lan tỏa. Đặc biệt trong bối cảnh giá vật tư, phân bón tăng cao như hiện nay.
“Liệu pháp” giảm chi phí sản xuất
Vùng đất phèn mặn do chân phèn còn (tầng sinh phèn ở gần tầng canh tác), khi gieo sạ theo tập quán cũ, lúa thường bị ngộ độc hữu cơ, bộ rễ không phát triển được, sử dụng nhiều phân bón, đến cuối vụ lúa mới phát triển tốt.
Đối với những vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm, không có thời gian nghỉ phơi đất, cày ải cải tạo, phục hồi độ màu mỡ của đất nên lúa thường bị ngộ độc phèn, hữu cơ. Mặt khác, nông dân chưa được tiếp cận với nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, cũng như chưa có sản phẩm phân bón phù hợp, kỹ thuật canh tác chưa đồng bộ để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để giúp nông dân tháo gỡ những khó khăn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền triển khai thực hiện Chương trình canh tác lúa thông minh tại một số tỉnh vùng ĐBSCL (Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ…) trong vụ hè thu 2021, kết quả đạt được như sau:
– Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ phân Đầu Trâu Mặn Phèn cải tạo đất ngay đầu vụ, giúp cây lúa trong mô hình phát triển khỏe mạnh. Qua đó, lượng giống gieo sạ giảm từ 28,5 đến 34 kg/ha, lượng giống trước khi áp dụng mô hình từ 96 đến 126,5 kg/ha giảm xuống còn 67,5 đến 92,5 kg/ha nhưng vẫn đảm bảo năng suất, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư giống trung bình từ 456.000 đồng – 544.000 đồng/ha.
– Theo đánh giá của các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia và nông dân thì phương pháp sạ cụm đảm bảo năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp sạ hàng hoặc cấy. Đối với phân đạm: Lượng phân đạm giảm được từ 18,5 – 28 kg N/ha và tiền thuốc BVTV giảm từ 476.000 – 1.025.000 đồng/ha nhưng năng suất vẫn tăng từ 0,13 – 0,30 tấn/ha (1,87 – 4,30%) so với đối chứng.
– Về lợi nhuận: Chi phí sản xuất từ 15.897.000 đồng đến 23.093.000 đồng/ha giảm xuống còn 15.295.000 đồng đến 21.695.000 đồng/ha, giúp tiết kiệm chi phí từ 602.000 đồng đến 1.445.000 đồng/ha.
Lợi nhuận tăng thêm thu được cao hơn đối chứng trung bình từ 1.644.300 – 3.408.000 đồng/ha (khoảng 8,65 – 14,3%). Từ những hiệu quả thiết thực của mô hình mang lại, nông dân mong muốn ngành khuyến nông các cấp tạo điều kiện tập huấn, chuyển giao kỹ thuật đối với mô hình này đến tận tay nông dân để mô hình ngày càng mở rộng, đông đảo nông dân được tiếp cận.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ (nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ) đánh giá lợi ích và tiềm năng của mô hình này như sau:
Chương trình đi đúng hướng, trang bị cho nông dân trang thiết bị dự báo độ mặn, độ phèn trước khi xuống giống hoặc trước khi bơm nước vào trong ruộng. Đồng thời chứng tỏ cho bà con thấy được tác dụng của cơ giới hóa trong vấn đề gieo sạ, bón phân.
Trong canh tác, người nông dân tự điều chỉnh lượng giống gieo sạ phù hợp với điều kiện đất ruộng của mình, bón phân cân đối, biết đất khỏe hoặc không khỏe chỗ nào để lựa chọn loại phân thích hợp; quản lý dịch hại đến ngưỡng mới tiến hành phòng trừ, tiết kiệm nước tưới thông minh thông qua việc xác định đúng thời điểm cần bơm tưới và điều chỉnh mực nước hợp lý theo nhu cầu cây lúa.
Cần tiếp tục lan tỏa
– GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ cũng cho rằng: Chúng ta cần làm cho mô hình lan tỏa có hệ thống từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã… để bà con tiếp cận được quy trình kỹ thuật canh tác lúa thông minh.
Mô hình đã có những hướng dẫn kỹ thuật, quy trình canh tác phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái theo mùa vụ, trong đó chú ý đến chất lượng lúa gạo, bởi vì mô hình ngoài việc đạt hiệu quả về kinh tế, xã hội thì cần quan tâm đến vấn đề tiêu thụ tốt sản phẩm.
– Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Đây là mô hình đã tích hợp được các kết quả như: Nghiên cứu của các viện, trường, kết quả phân tích của các chuyên gia, những kinh nghiệm sản xuất từ bà con nông dân đến đội ngũ khuyến nông cũng như cán bộ kỹ thuật ở địa phương.
Đặc biệt hơn, đã tích hợp được những giải pháp công nghệ tiên tiến, có cả giải pháp công nghệ thiết bị, giải quyết được những công nghệ tiên tiến đầu vào (như phân bón, thiết bị bón phân…). Chính vì vậy, mô hình rất ý nghĩa, đúng theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT tiến đến nền nông nghiệp có trách nhiệm, minh bạch và phát triển bền vững, song phải thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp thực tế sản xuất, thoát khỏi nền nông nghiệp chi phí cao, chất lượng kém.
Đây là sự vào cuộc của một nền nông nghiệp chuyển đổi số, cơ sở để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong sản xuất nông nghiệp.
– TS. Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục BVTV) nhìn nhận: Hiệu quả của phương pháp sạ cụm giúp giảm đáng kể lượng giống gieo sạ. Đối với phân bón, đã được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cân đối nên bón đúng thời điểm là đạt; sâu bệnh ít giúp giảm được thuốc trừ sâu, nông dân thực hiện tốt 40 ngày đầu không phun thuốc, không sử dụng thuốc xử lý hạt giống.
Thực hiện được những mô hình như thế là bền vững, môi trường ít ô nhiễm, cuộc sống tốt hơn, kinh tế được nâng lên, đất canh tác lúa vẫn sản xuất được đối với thế hệ mai sau, đó là sự bền vững trong canh tác nông nghiệp.
Để nhân rộng mô hình canh tác lúa thông minh trong thời gian tới, cần thực hiện một số công việc như: Hệ thống khuyến nông các cấp cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thật cụ thể về việc tiếp tục nhân rộng, mở rộng mô hình ở địa phương mình.
Bà con nông dân là người trực tiếp đồng hành cùng mô hình quan tâm chia sẻ thông tin về hiệu quả của mô hình để mọi người xung quanh tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ, thông tin quy trình vào thực tế sản xuất.
Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia dành cơ hội đầu tư, nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa, tích cực chuyển tải những giải pháp, thông điệp tiến bộ kỹ thuật này rộng rãi hơn nữa đến những người sản xuất.
Nguồn: Nguyễn Văn Bo
https://nongnghiep.vn/canh-tac-lua-thong-minh-tien-de-cho-chuyen-doi-so-nong-nghiep-d305713.html