Áp dụng “3 tại chỗ” kéo dài dẫn tới công suất hoạt động giảm, lượng gạo tồn kho cao do chưa xuất khẩu được vì vướng khâu lưu thông tại các cảng… những khó khăn này khiến doanh nghiệp lúa gạo đang ở thế khó và chưa thể tiếp tục thu mua lúa cho nông dân.
Đơn hàng nhiều nhưng xuất khẩu khó khăn
Chia sẻ tại buổi làm việc trực tuyến ngày 12/8 với “Tổ Công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp” của Bộ Công Thương (Tổ Công tác đặc biệt), ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex – cho biết: Nếu tính cả số lượng đơn hàng bị hủy
từ tháng 7/2021 dồn qua thì tháng 8 này, Intimex phải xuất theo hợp đồng đã ký gần 120.000 tấn gạo. Tuy vậy theo báo cáo của bên giao nhận, khả năng đi được tối đa chỉ 30.000-35.000 tấn. Đây là vấn đề hết sức khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong thời điểm hiện nay.
Nêu nguyên nhân chưa xuất được hàng, ông Đỗ Hà Nam chỉ ra 3 vấn đề lớn gồm: Các cảng đang thiếu công nhân do nhiều địa phương không cho cảng tập trung đông, phải giãn cách 2m, dẫn tới không bốc xếp hàng từ xe lên băng chuyền để đưa vào container; Đơn hàng xuất đi châu Phi không có tàu lớn vào do lo ngại dịch bệnh; xà lan đi từ địa phương lên khó, bị giữ lại, không vào bốc hàng được…
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương làm việc với các hệ thống từ cảng, địa phương… để gỡ các ách tắc hiện nay vì chỉ cần 1 khâu trong đó tắc thì nguyên chuỗi cung ứng sẽ bị đứng”- ông Đỗ Hà Nam nêu ý kiến.
Là DN đang có lượng hàng lưu kho lên đến 85%, ông Phan Xuân Quế – Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) – cho hay, mặc dù Vinafood 1 đã làm việc với các địa phương về vấn đề lưu thông hàng hóa để tạo điều kiện cho DN thu mua lúa cho bà con nông dân song tới nay vẫn vướng. Ông Quế cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là phải xác định nhiệm vụ mang tính ưu tiên trong giải quyết đầu ra cho DN đã có hợp đồng, có đầu ra nhưng lại đang ách tắc chưa thể xuất khẩu. Và cần có sự lãnh đạo tập trung vì từng địa phương sẽ có những ưu tiên hoặc nhiệm vụ khác nhau. “Tỉnh An Giang vừa rồi có phản ánh chúng tôi không tích cực thu mua lúa và Vinafood 1 đã làm việc với An Giang, báo cáo số liệu là hệ số lấp đầy kho 85% nên không còn chỗ chứa, cần giải phóng hàng mới có thể thu mua được”- ông Quế thông tin thêm.
Thậm chí, với những DN có sự chủ động thu mua lúa như Công ty CP XNK An Giang (Angimex) thì lại đang gặp vướng trong vấn đề tài chính. “Dù lượng xuất khẩu tồn kho quá lớn song chúng tôi đã gửi văn bản tới Sở NN&PTNT An Giang để có sự hỗ trợ DN mua 30.000 tấn lúa cho nông dân. Tuy nhiên muốn làm được việc này Angimex cần được hỗ trợ tăng hạn mức vay và giảm lãi suất ngân hàng ”- ông Vũ Tiến Hùng – Tổng giám đốc Angimex bày tỏ.
Cũng như Angimex, ông Trần Ngọc Trung – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vinh Phát – đề xuất cần có cơ chế kéo dài thời gian vay vốn so với mức 6 tháng như hiện nay. Theo ông Trung, chỉ khi có vốn DN mới mạnh dạn thu mua lúa được.
Nhận định lúa gạo là một chuỗi khép kín, ông Nguyễn Việt Anh – Tổng giám đốc Công ty CP LT Phương Đông – đề xuất, cần ưu tiên tiêm vắc xin đồng loạt cho chuỗi cung ứng lúa gạo. Bên cạnh đó, do DN hoạt động 3 tại chỗ kéo dài, tới nay người lao động có tâm lý không ổn định và cần có phương án thay thế cho DN sau ngày 16/8. “Để tạo điều kiện cho DN, chúng tôi cần có đầu mối liên hệ để nắm bắt thông tin như cổng thông tin, trang web… Bởi lẽ nếu trường hợp DN gặp sự cố sẽ không biết phải báo với ai, báo chỗ nào để được hướng dẫn cụ thể”, ông Việt Anh ý kiến.
Còn theo ông Trần Ngọc Trung, DN đang hoạt động theo phương án 1 cung đường 2 địa điểm, tuy nhiên khi thu mua lúa gạo phải vào trong các vùng dân cư nên không kịp về trước 6 giờ tối theo quy định của các địa phương nên đành bỏ lúa ngoài đồng. Do đó cần có giải pháp gỡ khó lưu thông cho khâu thu mua hiện nay.
Sớm tạo “luồng xanh” cho lưu thông lúa gạo
Trước những khó khăn trên, theo các thương nhân, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là điều kiện lưu thông phải thông thoáng và phải giải quyết được đầu ra cho gạo đã thu mua của DN. Ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) – kiến nghị: Do hiện chỉ có quy định luồng xanh trên đường bộ còn đường thủy thì chưa rõ ràng, mỗi địa phương áp dụng khác nhau, trong khi đó 90% lúa gạo vận chuyển bằng đường thủy. Từ đó, VFA đề nghị Chính phủ và Bộ, ngành nhanh chóng tạo “luồng xanh” cho vận chuyển đường thủy và có sự thống nhất trong cả khu vực phía Nam.
Cụ thể, có thể chia thành 2 khớp gồm: Lưu thông từ cánh đồng về nhà máy và từ nhà máy ra cảng. Lý do từ cánh đồng về nhà máy là thương nhân mua còn từ nhà máy ra cảng là DN đưa hàng ra xuất khẩu. Ngoài ra, với vấn đề giá cước vận tải biển hiện ở mức quá cao, trong đó cước đi Mỹ hiện tới 15.000 USD/cont – lớn hơn giá trị gạo. Do đó, VFA kiến nghị Bộ Công Thương trao đổi với Cục Hàng hải để xem xét hạ cước giá tàu biển cho DN.
Ghi nhận khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của DN, Hiệp hội, ngay tại cuộc họp, Tổ Công tác đặc biệt đã kết nối với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Hiệp hội DN Logistics Việt Nam (VLA) để kịp thời tháo gỡ cho DN gạo.
Cụ thể, với vấn đề lưu thông tại cảng, ông Ngô Minh Thuấn – Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn – cho biết, hiện nay hoạt động của Tân Cảng Cát Lái đã trở lại bình thường, việc đóng gạo vào container đang duy trì tại Tân Cảng Hiệp Phước (Nhà Bè), Tân Cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai). Ngoài ra, bến 125 (chuyên bốc dỡ mặt hàng gạo) thuộc Tân Cảng Cát Lái sẽ sớm bố trí công nhân và thông báo đến khách hàng. Ông Thuấn cam kết, đối với các container gạo đóng tại DN đưa đến cảng sẽ được hỗ trợ tối đa, không tắc nghẽn và DN cần tổng hợp ý kiến vướng mắc để công ty có bộ phận giải đáp cụ thể.
Riêng vấn đề cước tàu biển, ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch VLA – khẳng định sẽ thuyết phục các IDC Transimex, Tanamexco, Phước Long, Long Bình (có bến sông, cầu cảng, tiếp nhận được ghe gạo) tạm thời để DN đưa hàng đến đóng vào container sau đó di chuyển ra cảng nhằm giảm trung chuyển và giảm chi phí cho DN. Bên cạnh đó, VLA sẽ đối thoại với các hãng tàu nhằm giảm chi phí vận chuyển xuất nhập khẩu và hỗ trợ các DN gạo trong vấn đề luồng xanh, luồng đỏ tại Hải quan.
Theo Tổ Công tác đặc biệt, sau cuộc họp này, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ 3 khía cạnh vướng mắc hiện tại về sản xuất – lưu thông – xuất khẩu cho DN. Tuy nhiên về phía Hiệp hội và DN cần chủ động xây dựng quy trình 3 tại chỗ phù hợp tình hình của từng đơn vị và từng địa phương. Riêng vấn đề test Covid, Tổ Công tác đặc biệt sẽ đề xuất tạo các điểm test Covid nhanh tại chỗ để làm tăng tốc độ lưu thông cho DN.
Đại diện Tổ Công tác đặc biệt cũng đề xuất, DN gạo cần tham khảo kinh nghiệm của các hệ thống siêu thị, DN bình ổn thị trường nhằm chủ động trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc lưu thông phân phối hàng hoá thiết yếu tại thị trường trong nước. Cụ thể là liên hệ chặt chẽ với Tổ Công tác đặc biệt của các Bộ ngành, Sở Công Thương và chính quyền địa phương,…
Trước đó, để đảm bảo tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa cho người nông dân, Cục Xuất nhập khẩu đã kiến nghị Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan xem xét có biện pháp cấp bách mở luồng xanh cho vận tải đường thủy; Đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét áp dụng biện pháp xét nghiệm Covid-19 đầu vào, sau đó giao cho thương nhân có kế hoạch tự quản lý đội ngũ lao động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; Xem xét ưu tiên và khẩn trương triển khai việc tiêm vắc xin cho những thành phần lao động bắt buộc phải tham gia trực tiếp trên hiện trường – trong chuỗi cung ứng lúa gạo nói riêng và lương thực nói chung như tài xế, tài công, người đi thu mua, nhân viên nhà máy, nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên điều phối hiện trường… |
(Nguồn Thùy Dương, Theo Congthuong.vn)
https://congthuong.vn/can-som-tao-luong-xanh-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-gao-162254.html