Bao bì nông sản thực sự trở thành mối bận tâm của nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng, khi thị trường ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng thẩm mỹ.
Bao bì nông sản không phải câu chuyện mới, nhưng cũng không phải câu chuyện cũ. Bởi lẽ, bao bì nông sản không còn bị khống chế hạn hẹp trong quan niệm “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Muốn nâng cao giá trị nông sản, thì bài toán song hành phải giải quyết là cả “tốt gỗ” và “tốt nước sơn”.
Việt Nam là một quốc gia có truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời. Thế nhưng, từ sản xuất tự cung tự cấp ở phạm vi địa giới nhất định, đến sản xuất hàng hóa để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, lại là một sự khác biệt mà chất lượng bao bì nông sản không thể không quan tâm.
Tại Hội chợ Triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 22 – AgroViet 2022, vấn đề “Tư vấn thiết kế, mẫu mã bao bì sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường” đã được đưa ra nhưng chưa thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu, bao bì không chỉ đáp ứng chức năng bảo quản và lưu trữ, mà còn phải có tính thẩm mỹ. Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam cho rằng, bao bì đóng vai trò tích cực trong việc quảng bá thương hiệu, bảo quản và phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Do đó, bao bì sản phẩm tác động trực tiếp đến hành vi mua hàng của người dùng, quyết định đến sự thành công của sản phẩm và chiến dịch bán hàng của doanh nghiệp.
Theo thống kê của Hiệp hội Bao bì Việt Nam, có hơn 4.000 đơn vị chuyên sản xuất bao bì nông sản, tập trung chủ yếu ở Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng. Bao bì nông sản không chỉ cần dây chuyền công nghệ, mà còn là nghệ thuật tôn vinh nông sản. Bao bì không chỉ thu hút về hình dáng, màu sắc mà còn phải thể hiện được bản sắc văn hóa.
Khi cuộc cách mạng 4.0 đang chi phối nhiều hoạt động trên toàn cầu, bao bì nông sản phải là bao bì thông minh, để truyền tải thông tin nhanh chóng, đầy đủ. Bao bì thông minh giúp nhà sản xuất tương tác với nhiều đối tượng khác nhau.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là chúng ta vừa muốn bao bì phải có giá thành phù hợp, chúng ta cũng muốn bao bì có nhiều hiệu ứng, bắt mắt, ấn tượng thu hút khách hàng. Giải quyết nghịch lý này như thế nào? Yếu tố quyết định là tầm nhìn của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không ý thức rõ ràng về việc liên tục nâng cao chất lượng thẩm mỹ cho bao bì nông sản, thì gần như không thể sắp xếp kế hoạch tài chính và chiến lược nhân sự cho khâu thiết yếu này.
Một sự thật là nông sản luôn gặp rất nhiều khó khăn trong khâu bảo quản và lưu trữ, bởi đây là những mặt hàng dễ hư hỏng, dễ ẩm mốc và biến chất trong môi trường ẩm ướt hoặc nhiệt độ không phù hợp. Các mặt hàng như cà phê, điều, gạo, hồ tiêu, trái cây, chè… là những nông phẩm được nước ta xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài với sản lượng hàng triệu tấn một năm.
Với những sản phẩm như cà phê, hạt điều, lúa gạo… thông thường được sử dụng bao bì PP dệt để đựng sản phẩm. Với các sản phẩm đặc thù, bao bì cần được trang bị khả năng chống thấm, tráng màng BOPP, tráng màng PE… Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển và người tiêu dùng trở nên hiểu biết, sành điệu hơn thì thiết kế bao bì cũng trở nên quan trọng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông sản đã có ý thức sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường. Bao bì bằng giấy và các vật liệu dễ phân hủy đang được lựa chọn để thay thế cho bao bì bằng nhựa, ni lông.
Nền nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều sản phẩm đạt tín nhiệm cao trên toàn cầu, nhưng công nghệ bao bì cho nông sản lại đang tồn tại không ít bất cập. Vài doanh nghiệp sớm tiên phong đổi mới bao bì nông sản đã gặt hái thành công bất ngờ trên thị trường quốc tế như Phúc Sinh, Chanh Việt, PyloHerb…
https://nongnghiep.vn/bao-bi-nong-san-buoc-vao-cuoc-canh-tranh-moi-d360100.html