Bánh giò là món ăn dân dã nhưng rất lành và mát, đặc biệt là mùi thơm ngào ngạt đầy cuốn hút. Chiếc bánh mịn màng, trắng trong của bột gạo được gói gọn trong những chiếc lá chuối xanh như chứa đựng những gì tinh túy nhất của trời đất vuông tròn. Bánh có lẽ ra đời từ rất lâu, rất phổ biến ở tỉnh miền Bắc và được du nhập vào các tỉnh miền Trung và Nam Bộ.
Trước đây, để làm một nồi bánh ngon không hề đơn giản, người làm bánh phải có công thức pha chế bột. Tuy nhiên, ngày nay, với những công thức được chia sẻ bởi cộng đồng mạng, các chương trình nấu ăn, hoặc các chương trình giới thiệu văn hóa ẩm thực, mỗi gia đình đều có thể tự làm cho mình một nồi bánh giò, mặc dù không ngon như các tiệm làm bánh có truyền thống với công thức chế biến bột gia truyền. Bởi nguyên liệu làm bánh lại không cầu kỳ, chỉ có bột tẻ, thịt nạc vai băm, thêm ít một nhĩ, nấm hương,… cho nhân bánh thêm ngon.
Với bánh giò, ngoài việc có công thức pha chế bột thì công đoạn khuấy bột và đánh bột lại rất quan trọng. Bánh ngon hay không cũng ở khâu này. Bột khô sau khi ngâm tan trong nước sẽ được ép ráo như bột làm bánh tẻ. Bột tiếp tục được đánh tan đều cùng nước trong quá trình nấu chín. Khoảng chừng 45 phút, khi bột đã đạt đến độ trắng và sánh đặc tức là đã chín.
Lá chuối gói bánh giò là lá chuối tây, không phải lá chuối hột cũng không phải lá chuối tiêu, những lá này sẽ làm bánh bị xám khi gói. Cây chuối lấy lá bán phải thường ít quả, quả nhỏ. Nhưng tiền bán lá có khi còn nhiều hơn tiền bán quả.
Người ta xắn bột ra những chiếc lá dong bánh tẻ, cuộn với nhân thịt phi thơm rồi buộc hờ bằng lạt giang, xâu thành những xâu nhỏ chừng 3 đến 5 chiếc. Khi nước trong nồi đã sôi, bánh được đưa vào luộc lại cho chín lá, thơm gạo chừng 20 phút. Bánh chín được vớt ra, lan tỏa trong không gian mùi thơm ngậy của nhân bánh, của bột gạo và cái mùi ngai ngái rất riêng của lá dong rừng hoặc của lá chuối tuơi. Cảm giác chỉ cần đụng nhẹ là cái thứ nước thịt trong nhân bánh sẽ ứa ra, thơm và ngọt vô cùng.
Ăn bánh giò không phải là lúc quá đói hay có việc vội. Nó không như bánh đúc dân dã, không như bánh mì có thể vừa đi vừa nhai, cũng không cần bát đũa như bánh cuốn, càng khác với món các món phở bò, phở gà… Khi ăn bánh giò, cần thong thả và cảm nhận, miếng bánh vừa nóng vừa mềm, nóng mà vẫn có vị mát ở đầu lưỡi, ngọt vì nhân thịt, thơm vì hành mỡ, mềm nhưng vẫn cảm nhận được độ giòn của mộc nhĩ… mới cảm thấy món quà ăn nhẹ này là thú vị, vừa thanh lịch vừa ngon lành lại không đắt. Bánh giò cũng không cần gia vị như nước mắm, ớt, hạt tiêu. Bản thân nó đã đủ cho nó rồi. Nếu thích thì ăn kèm với chả mỡ, chả hạt lựu, chả quế…
(Nguồn: Tổng hợp)