Bên cạnh bánh chưng do Lang Liêu sáng tạo ra dùng để tế trời đất vào ngày đầu xuân thì bánh giầy (dày) cũng là món ăn truyền thống và có ý nghĩa đẹp trong văn hóa Tết của người Việt Nam. Bánh có màu trắng, hình tròn tượng trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt Nam về vũ trụ. Bánh giầy được lưu truyền từ đời này sang đời khác với nhiều biến tấu khác nhau. Bánh giầy không những xuất hiện trong các dịp lễ Tết quan trọng mà còn xuất hiện trong đời sống thường nhật của người dân Việt Nam.
Bánh giầy ngày nay được phát triển lên nhiều loại: bánh có nhân và bánh dày không nhân. Bánh giầy không nhân được làm hoàn toàn từ nếp trắng, có nơi lại nhuộm màu bánh bằng quả gấc, lá cẩm, lá dứa, làm cho bánh có nhiều màu sắc bắt mắt hơn. Bánh có nhân thì nhân thường được làm từ đậu xanh, tôm thịt tùy theo mỗi gia đình muốn ăn như thế nào. Nhưng dù là kiểu bánh nào đi nữa bạn luôn cảm nhận được vị hấp dẫn của món bánh.
Nguyên liệu chính là Nếp. Bạn có thể dùng nếp cái hoa vàng, nếp hương Điện Biên hoặc nếp bầu để làm cho chiếc bánh được thơm ngon hơn. Ngày xưa, nếp được đem đi đồ kĩ (có thể đồ đến 2 lần) sau đó cho vào cối giã cho thật nhuyễn, quện lại với nhau. Công việc này thường dành cho những người đàn ông sức khỏe tốt để làm vì khá nặng nhọc. Còn những công đoạn sau là do người phụ nữ làm. Vì vậy mà không khí gia đình vào những ngày Tết hay giỗ kị thường rất ấm cúng và yêu thương.
Ngày xưa là vậy, nhưng ngày nay rất đơn giản bột nếp với bột gạo được bán sẵn ngoài chợ bạn chỉ cần mang về và hòa cùng với nước, đánh cho thật đều tay, cho thật dẻo là được. Mặc dù hiện đại và tiện lơi nhưng công đoạn đánh bột rất quan trọng, nếu bạn đánh dối thì chiếc bánh sau này sẽ không đậm đà và thường bị ”lại bánh” ở một số nơi. Người làm bánh có thể cho thêm sữa tươi không đường vào để tăng độ thơm béo của bánh. Có một mẹo nhỏ là nên sử dụng một ít dầu tạo độ trơn để có thể dễ dàng nhào bột lại đảm bảo bột không dính vào các dụng cụ gây tốn thời gian sau. Nhào nặn bột cho tới khi trở thành một cục bột chắc tay không dính.
Lá chuối lau chùi sạch sẽ thường được cắt thành những ô vuông cạnh 8cm, có nơi cắt lá thành hình tròn và đảm bảo là được bôi dầu. Ngắt bột thành những cục nhỏ vo tròn trong lòng bàn tay và ép xuống đặt vào lá chuối. Bánh thường có chiều dài 6 đến 7 cm và chiều cao 1 cm. Đây là thông số quen thuộc làm cho người ăn không có cảm giác ngán. Công đoạn cuối cùng là đem vào nồi hấp cách thủy. Hấp khoảng 7 phút là bánh đã chín rồi. Mang ra và để nguội. Trong quá trình hấp bạn nên thường xuyên giở nắp ra để lau nước tránh nước đọng trên bánh.
Đến nay, thứ bánh mang nhiều ý nghĩa truyền thống văn hóa dân tộc đã trở thành một trong những đặc sản ẩm thực của dân tộc Việt Nam. Chiếc bánh dày trắng mịn, chỉ mới đưa lên miệng đã cảm nhận được mùi vị béo ngậy của giò lụa ăn kèm, thoang thoảng hương thơm của gạo nếp và lá chuối xanh. Bánh đượm vị ngọt tự nhiên, đưa lên mũi thì thơm nức mùi nếp, khi nhai thì dẻo dai khiến người ta yêu thích.
(Nguồn: Tổng hợp)