Quyết sách mạnh mẽ cộng với tâm huyết, sức lực của con người đang tạo ra một cuộc cách mạng mới trên đồng ruộng tỉnh An Giang.
LTS: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, mặc dù còn nhiều những “nút thắt”, “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, khơi thông, tuy nhiên những thành tựu kinh tế tập thể mang lại cũng đã chứng minh đây là con đường tất yếu, khách quan của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Loạt bài này là những ghi chép chân thực trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ, vùng đất được đánh giá là có sự chuyển biến mạnh mẽ nhất về kinh tế tập thể. Có thể, những cách làm, những mô hình tiêu biểu này chưa phải là bộ giải pháp của quốc gia nhưng hoàn toàn có thể coi là một cuộc cách mạng.
Hợp tác xã cùng ăn, cùng ở, cùng làm
Vùng Tứ giác Long Xuyên, vựa lúa nức tiếng nhất đồng bằng với diện tích khoảng tầm 400.000ha thuộc 3 tỉnh Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ. Nghe kể rằng đất ấy xưa vốn là vùng đồng khô cỏ cháy, nhiễm mặn, nhiễm phèn “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”. Vậy mà, nhờ công sức của con người đào kênh dẫn lũ, thau chua rửa mặn, nhờ những “cuộc cách mạng” trên những cánh đồng mà biến thành vùng canh tác nông nghiệp trọng điểm, mỗi năm cung cấp từ 7 – 8 triệu tấn lúa gạo góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu đi khắp thế giới.
Năm tháng qua đi, công ơn to lớn của những người mở cõi bà con trồng lúa nơi đây còn đời đời ghi nhớ. Ở Núi Sập, huyện Thoại Sơn là đình Thoại Ngọc Hầu, tướng triều Nguyễn có công lớn khai phá vùng đất Nam bộ. Năm 1817, ông Thoại chỉ huy 1.500 dân binh đào kênh Đông Xuyên – Rạch Giá, trở thành kênh đào sớm nhất ở miền Nam. Vua Gia Long ghi tạc công lao đó lấy đặt tên sông Thoại Hà, đặt tên đất Thoại Sơn. Con kênh T5 dài 28 cây số chảy qua An Giang và Kiên Giang bà con vẫn thường gọi là “kênh ông Kiệt”, “kênh ông Sáu”, những cái tên thân thương, gần gụi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người quyết định và phát lệnh khởi công công trình thoát lũ ra biển Tây vào năm 1997. Công trình sau đó đã biến “túi phèn” Tứ giác Long Xuyên thành vựa lúa lớn nhất đất nước.
Những con người, những quyết sách, những công trình xây dựng đã thay đổi Tứ giác Long Xuyên mà thành tựu rõ nhất là đời sống người trồng lúa. Có những ông “chúa đất” mỗi vụ làm hơn hai ngàn công ruộng (khoảng 200ha), ngày thu hoạch thương lái trả một lúc mấy chục tỷ đồng, cứ tưởng là của cả xã nhưng hóa ra “mình ên tui làm không à”.
Và hôm nay, một “cuộc cách mạng” nữa lại tiếp diễn trên mảnh đất này.
Tỉnh An Giang hiện có 230.000ha lúa, tập trung chủ yếu ở các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Phú Tân và Châu Thành. Theo “chỉ tiêu” trên giao, mỗi năm vùng đất có dân số đông nhất miền Tây này phải đảm bảo sản lượng 4 triệu tấn lúa. Với thực tiễn ở các mô hình kinh tế tập thể đang ngày càng thay đổi tích cực cả về lượng và chất, bà con nói, mức đó cũng nhàn.
Chủ tịch Liên hiệp HTX Thoại Sơn Nguyễn Hữu Tho dẫn tôi đi trên những cánh đồng bạt ngàn lúa hè thu đang độ thu hoạch ở Thoại Sơn. Ngày mùa năm nay, anh Tho nói, đã có hơn 1.000ha lúa ở đây đang áp dụng mô hình “mặt ruộng không dấu chân”, có lẽ cũng là mô hình trồng lúa theo chuỗi khép kín hiện đại nhất hiện nay.
Từ chuyện cơ giới hóa, đưa công nghệ xuống đồng, làm đất, bơm tưới, sạ giống, rải phân, phun thuốc, gặt đập, vận chuyển lúa đều do máy móc làm, người nông dân hoàn toàn không phải tham gia bất cứ công đoạn sản xuất nào hết. Giữa lúc cao điểm thu hoạch lúa nhưng chỉ thấy cảnh bà con đứng xem, chẳng phải làm gì, ở đâu cũng nói cười rổn rảng: Nào giờ cứ tưởng đưa máy móc về để tạo công ăn việc làm giúp bà con cuối cùng bị “nó” lấy việc hết trơn à.
Liên hiệp HTX Thoại Sơn của anh Tho vừa mới được thành lập cách đây ít lâu trên cơ sở gom 7 HTX nông nghiệp ở Thoại Sơn gồm An Bình, Bình Thành, Tân Đông, Vọng Thê, Sơn Hòa, Hòa Tân, Thắng Lợi và 4 HTX liên kết là Phú Thuận, Thạnh Giang, Thành Mỹ, Óc Eo. Cùng với Liên hiệp HTX huyện Tri Tôn, từ chỗ những hợp tác xã manh mún nhỏ lẻ trở thành cộng đồng trồng lúa hơn 3.700 hộ và diện tích khoảng 23.000ha. Đó là thành quả đến từ quyết tâm của tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời.
Anh Tho kể, trong quá trình Lộc Trời liên kết với hợp tác xã, người dân ở An Giang để xây dựng chuỗi liên kết lúa gạo mới nhận thấy hết các điểm yếu của hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ. Từ tổ chức sản xuất, điều hành, vốn đến yếu tố con người. Hợp tác xã nông nghiệp mà chỉ mấy chục thành viên, trông vào vài ba dịch vụ lèo tèo và chiết khấu vật tư nông nghiệp quả thật rất khó. Doanh nghiệp muốn đầu tư hỗ trợ hợp tác xã mở rộng diện tích sản xuất nhưng không có cách nào. Muốn đưa máy móc hiện đại để cơ giới hóa ruộng đồng cũng không xong vì quy mô quá nhỏ. Mua sắm trang thiết bị toàn tiền tỷ mà chạy một ngày nghỉ ba bốn ngày thì làm sao nổi.
Tính đến năm 2022 tỉnh An Giang có 192 hợp tác xã nông nghiệp, hơn 13.000 thành viên, tính bình quân cũng mới chỉ 60 – 70 người trong một hợp tác xã. Nhiệm vụ của những liên hiệp hợp tác xã như Thoại Sơn là đưa cơ giới hóa vào toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp, phải trở thành nơi mua chung, bán chung vật tư, tăng thêm các dịch vụ để phục vụ thành viên và trở thành đối tác trung gian giữa bà con và doanh nghiệp.
Thay đổi cấp bách nhất là khâu tổ chức và yếu tố con người. Một đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực, kiến thức của Lộc Trời được “cài” vào 30 hợp tác xã trong vùng nguyên liệu của tập đoàn theo kiểu ba cùng. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Họ tham gia vào ban lãnh đạo của các hợp tác xã để cùng nhau tổ chức sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch hội đồng quản trị của hợp tác vẫn là người địa phương nhưng giám đốc, phó giám đốc là những người trẻ của Lộc Trời. Khát vọng và tư duy mới, họ mang sứ mệnh thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, cơ giới hóa đồng ruộng và mở các dịch vụ phục vụ thành viên. Tất cả những “ông” này đều không nhận lương từ hợp tác xã.
Chủ tịch HTX nông nghiệp An Bình ở huyện Thoại Sơn, ông Trịnh Công Minh cũng là một người không lương như vậy. Ông Minh cùng với giám đốc và phó giám đốc hợp tác xã là “người của Lộc Trời” điều hành sản xuất trên diện tích 1.050ha lúa, thành tựu lớn nhất của họ là xóa bỏ được cảnh người dân bị thương lái ép giá, lúa làm ra không biết bán cho ai.
Ông Minh kể, chỉ mấy năm trước thôi bà con trồng lúa còn vất vả lắm, khốn khó trăm bề. Đầu vụ nhà nào có tiền còn chủ động được vật tư, nhà không có phải mua thiếu các đại lý. Giống má, phân thuốc, dịch vụ bơm tưới, máy cày, máy gặt đều chờ đến cuối vụ mới có trả và chịu cảnh người ta kê lãi. Hạt lúa vất vả làm ra lúc được giá không kêu được người mua, lúc sụt thì bị cò, thương lái ép giá. Hợp tác xã nông nghiệp cũ có từ lâu lắm rồi nhưng nào có ai vô đâu. Nài nỉ bao nhiêu bà con cũng không xuôi bởi thực tế có vô cũng không khác ở ngoài.
“Người của Lộc Trời” về, toàn bộ khâu tổ chức sản xuất được sắp xếp lại. Hợp đồng cung ứng vật tư, sử dụng dịch vụ của hợp tác xã, bao tiêu lúa gạo được ký kết. Tham gia hợp tác xã ngoài những chính sách cung ứng vật tư đến cuối vụ mới thu tiền mà không tính lãi, bà con còn được hỗ trợ 200 đồng/kg sản xuất đúng quy trình.
Chẳng đâu xa, gia đình Giám đốc Minh cũng làm 22ha ruộng. Có mình làm không à – ông Minh cười nói. Là bởi có vì đã có dịch vụ của hợp tác xã lo hết rồi. Năm nay dù giá phân bón có cao thì 22ha ruộng mỗi năm cũng thu tầm 170 tấn lúa, trừ chi phí đầu tư, “không cần làm gì cả cũng lời hơn 700 triệu đồng”.
Thay đổi rõ nhất ở trên đồng ruộng. 33 loại thiết bị sản xuất hiện đại, như máy cày, máy cắt, cuộn rơm, máy kéo lúa được đưa về Thoại Sơn, Hợp tác xã An Bình từ chỗ chỉ vài ba dịch vụ bơm tưới bỗng chốc thành nơi “bà con cần cái gì có cái đó”, chẳng phải động tay động chân gì. Hợp đồng bao tiêu thì đã được ký từ đầu vụ, chưa xuống giống đã có thể biết vụ này lời lãi bao nhiêu.
Đi sang các hợp tác xã nông nghiệp khác như Vọng Thê, Sơn Hòa, Hòa Tân, Thắng Lợi cũng đều như vậy. Lợi ích từ kinh tế tập thể ở các mô hình liên hiệp hợp tác xã đang trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp. Đơn của bà con xin vào hợp tác xã, đơn của hợp tác xã xin gia nhập liên hiệp, đơn xin “người của Lộc Trời” về ngày một nhiều hơn. Vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo ở Thoại Sơn, Tri Tôn, Phú Tân và Châu Thành trở thành rộng lớn đã đành, đầu óc, tư duy con người cũng đã mở mang thêm nhiều lắm.
Làm ruộng vừa nhàn vừa được bao lợi nhuận
Cái thông tin cách làm ruộng khá lạ lùng kia là tôi được nghe từ ông Trương Kiên Thọ. Chẳng những thế, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang còn ví von, người trồng lúa ở An Giang bây giờ không khác gì thượng đế, có đầy đủ các tùy chọn, muốn làm theo kiểu nào cũng được, đều nhàn và có lời, như kiểu được bảo hiểm rủi ro.
Quả thực, ở các liên hiệp hợp tác xã Thoại Sơn và Tri Tôn hôm nay bà con trồng lúa đã khác xưa lắm rồi. Ngay từ đầu vụ, các liên hiệp hợp tác xã nhận đặt hàng của các doanh nghiệp, sản lượng bao nhiêu, tiêu chuẩn ra sao, lúa gạo sẽ đi những thị trường nào rồi phân bổ chỉ tiêu về cho các hợp tác xã. Căn cứ vào những đơn hàng đó, hợp tác xã đứng ra ký trực tiếp với bà con, tất cả tạo thành chuỗi khép kín, minh bạch, rõ ràng.
Vụ hè thu vừa rồi Liên hiệp HTX Thoại Sơn có 4 phương thức liên kết để người dân lựa chọn.
Ví dụ hình thức liên kết bao lợi nhuận. Đầu vụ bà con ký hợp đồng với hợp tác xã, toàn bộ vật tư đầu vào, các dịch vụ sản xuất hợp tác đứng ra lo, bà con không phải tham gia vào bất cứ công đoạn sản xuất nào. Hai bên thống nhất với nhau năng suất, sản lượng cam kết bán lại cho hợp tác xã theo mức giá cố định, phần tăng thêm sẽ bán theo giá thị trường.
Hoặc bà cũng có thể lựa chọn hình thức liên kết truyền thống. Tập đoàn Lộc Trời thông qua các hợp tác xã đầu tư toàn bộ vật tư đầu vào, sử dụng dịch vụ của các hợp tác xã, đến cuối vụ mua bán lúa theo giá thỏa thuận.
Mới nhất là môt hình liên kết “mặt ruộng không dấu chân”, như cách gia đình ông Nguyễn Phi Sơn Hổ ở xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn đang làm.
Ông Hổ có 24ha ruộng. Tham gia liên kết với Tập đoàn Lộc Trời theo hình thức “mặt ruộng không dấu chân”, ông Hổ nói, hay ở chỗ là “không phải làm gì mà vẫn được cam kết mức lợi nhuận 40 triệu đồng/ha/năm”.
Làm ruộng mà ngay từ đầu vụ đã được hỗ trợ vật tư đầu vào, từ giống, phân bón, thuốc BVTV, đến khi thu hoạch lại được bao tiêu đầu ra. Làm ruộng chẳng phải chân lấm tay bùn gì, toàn bộ quá trình canh tác đều ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, mỗi khi thăm đồng, bơm nước còn được trả công. Làm ruộng gì mà từ làm đất, rải phân, phun thuốc, thu hoạch đều có máy móc làm hết thì ai không muốn làm. Sướng nhất là nhìn cảnh máy bay không người lái (drone) phun thuốc BVTV. Trước kia mỗi khi gặp dịch bệnh, cõng bình phun thuốc oằn lưng ra, vừa vất vả lại vừa độc hại, bây giờ chỉ việc cầm điều khiển, cả một cánh đồng mênh mông mấy chục ha mà máy nó phun vèo cái là xong. Vụ này 24ha ruộng của gia đình ông Hổ dự kiến thu khoảng tầm hơn 200 tấn lúa, nhờ hình thức “bao lời” đã thu tiền tỷ nhẹ nhàng.
“Cái hay của mô hình “mặt ruộng không dấu chân” là đồng bộ cơ giới hóa từ đầu vụ đến cuối vụ. Từ sạ lúa, bón phân, phun thuốc, tất cả các khâu từ làm đất đến thu hoạch được đều được cơ giới hóa hoàn toàn. Đây cũng là cơ sở để hình thức liên kết này có thể “bao lời” cho bà con, bởi vì khi ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng đã giúp tiết kiệm giống, giảm lượng phân bón, thuốc hóa học, giảm chi phí sản xuất so với truyền thống từ 20 – 30%”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang chia sẻ.
Ông Trương Kiên Thọ cho biết, từ nay đến năm 2025, An Giang sẽ thành lập thêm 108 hợp tác xã nông nghiệp, mỗi năm tối thiểu 27 cái để phục vụ các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Con đường kinh tế tập thể là bắt buộc, không thể nào cứ nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm mà phải cùng nhau tổ chức sản xuất, cùng nhau đưa ra phương án kinh doanh, cùng nhau tính toán thị trường… Những hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp sẽ giữ vai trò chủ thể chính trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng linh hoạt, chủ động thích ứng với nhu cầu thị trường, tiến tới hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực của An Giang.
Hoàng Anh – Hoàng Vũ
https://nongnghiep.vn/bai-5-an-giang-va-nhung-canh-dong-khong-co-dau-chan-nguoi-d326568.html